Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Giám sát thi công - Công tác lập dự án đầu tư , thiết kế và lập dự toán, tư vấn đấu thầu

- Các công tác lập dự án đầu tư, thiết kế và lập dự toán, đấu thầu có thể do chủ đầu tư tự thực hiện khi có đủ năng lực hoặc thuê tư vấn thực hiện. Để đảm bảo chất lượng, tiến độ chủ đầu tư cần kiểm tra theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện xem đạt yêu cầu đặt ra ban đầu cũng như các điều chỉnh khác hay không đồng thời phải kiểm tra sự phù hợp về năng lực của đơn vị thực hiện tư vấn. Sau khi hoàn thành công tác thì tổ chức nghiệm thu. Đây chính là công tác giám sát.
- Đối với công tác lập dự án đầu tư, trong phần thuyết mình dự án cần đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch sử dụng đất đai cũng như phù hợp với các quy định về nội dung dự án. Trong phần bản vẽ cần đánh giá kỹ nhiệm vụ thiết kế, tính hợp lý của các giải pháp kỹ thuật trong thiết kế cơ sở so với quy chuẩn và tiêu chuẩn áp dụng.
- Đối với công tác thiết kế và lập dự toán, tùy theo quy mô công trình để phân thành thiết kế một, hai hay ba bước. Quan trọng nhất của việc giám sát hoạt động xây dựng này là tổ chức thẩm tra hồ sơ thiết kế và thiết kế bản vẽ thi công, đảm bảo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng và thiết kế cơ sở được duyệt.
- Khi hoàn tất thiết kế, chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu hồ sơ thiết kế và dự toán. Biên bản nghiệm thu công tác khảo sát do đại diện chủ đầu tư và nhà thầu kỹ tên đóng dấu bao gồm thông tin về thành phần tham gia nghiệm thu, thời gian nghiệm thu, đánh giá kết quả thiết kế về chất lượng, khối lượng, hình thức và số lượng cùng những kiến nghị khác nếu có.
- Đối với công tác tư vấn đấu thầu, cần nghiên cứu kỹ kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu cùng tiêu chuẩn xét thầu. Việc phân bổ các gói thầu một cách hợp lý sẽ thuận lợi cho công tác quản lý dự án sau này. Còn hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn xét thầu chuẩn mực sẽ tạo điều kiện chọn được nhà thầu phù hợp và thanh quyết sau này thuận lợi.


Phân loại và phân cấp công trình

A. Phân loại công trình : 
Theo quản lý chuyên môn, người ta chia công trình thành năm loại theo tính chất và mục đích sử dụng.

1. Công trình dân dụng : Bao gồm các nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ và các công trình công cộng như công trình văn hóa , giáo dục, công trình y tế, thương nghiệp, dịch vụ, văn phòng làm việc, khách sạn, nhà phục vụ giao thông, thông tin liên lạc, tháp thu sóng phát thanh , truyền hình, nhà ga, bến xe, các công trình thể thao.
2. Công trình công nghiệp : bao gồm các công trình khai thác than, quặng, khai thác dầu khí, công trình hóa chất, hóa dầu, công trình luyện kim, cơ khí, chế tạo, điện tử - tin học, năng lượng, công trình công nghiệp nhẹ, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình sản xuất và kho chứa vật liệu nổ công nghiệp.
3. Công trình giao thông : bao gồm công trình đường bộ, đường sắt, đường thủy, cầu, hầm, sân bay.
4. Công trình thủy lợi : bao gồm các hồ chứa nước, đập, cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, kênh và công trình trên kênh, bờ ao.
5. Công trình hạ tầng : bao gồm các công trình cấp nước, thoát nước, nhà máy xử lý nước thải, công trình xử lý chất thải , bãi chứa , bãi chôn lấp rác, nhà máy xử lý rác thải, công trình chiếu sáng đô thị.

B. Phân cấp công trình : 
- Cấp công trình là cơ sở để chủ đầu tư xếp hạng nhà thầu tư vấn hoặc xây lắp, cũng là cơ sở để lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng. Tùy theo quy mô và loại công trình trong dự án mà người ta yêu cầu nhà thầu tham gia dự thầu phải có cùng hạng tương ứng. Ngoài ra, việc phân cấp công trình còn phục vụ cho việc xác định số bước thiết kế và thời gian bảo hành công trình đối với nhà thầu xây lắp. Thí dụ, như đối với các công trình phải lập dự án, quy mô cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, có kỹ thuật phức tạp thì phải thiết kế ba bước, hoặc các công trình cấp IV chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng cũng chỉ cần thiết kế một bước. Công trình cấp đặc biệt và cấp I phải được bảo hành ít nhất 24 tháng kể từ ngày bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
- Tùy theo quy mô, sản lượng, công suất, mức độ phức tạp mà mỗi loại công trình được chia thành 5 cấp bao gồm cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III và cấp IV. Trong một công trình thường có thể có nhiều loại hạng mục theo phân loại khác nhau, nên cấp của mỗi hạng mục đó cũng khác nhau. Cấp của công trình được xác định theo tiêu chí của cấp cao nhất.

C. Phân loại lĩnh vực chuyên môn giám sát : 
Các cá nhân tùy theo lĩnh vực chuyên môn được đào tạo và có thời gian kinh nghiệm từ 5 năm trở lên thì được phép giám sát thi công công trình cùng loại với một trong các lĩnh vực sau đây :
- Giám sát thi công xây dựng và hoàn thiện.
- Giám sát thi công lắp đặt thiết bị công trình.
- Giám sát thi công lắp đặt thiết bị công nghệ.